• Thứ Năm 21/11/2024
  • RSS

Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển thị trường tín chỉ các-bon

Thứ Hai  19/07/2021
News Filters
Các chuyên gia đánh giá thị trường tín chỉ các - bon của Việt Nam rất có tiềm năng nhưng chúng ta cần có lộ trình thực hiện để có thể khai thác hiệu quả và bền vững.

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết, tháng 9/2020, Việt Nam là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới đã gửi bản NDC (Đóng góp do Quốc gia quyết định) cập nhật đến Ban Thư ký Công ước. NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất và xác định đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu do nước ta cam kết. Những đóng góp này phù hợp với hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến năm 2030.

Trong bản cập nhật lần này, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.


Rừng phòng hộ ở khu vực lòng hồ Phú Ninh (Quảng Nam). Ảnh: Phương Thảo/Báo Quảng Nam)

NDC Việt Nam cũng xác định giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ tập trung thực hiện các phương thức giảm nhẹ phát thải nhà kính; các hoạt động rà soát, hoàn thiện hệ thống kiểm kê quốc gia về khí nhà kính; thúc đẩy hình thành thị trường các-bon trong nước; xây dựng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tổ chức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải nhà kính…

Cùng với đó, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên NDC đã được luật hóa. Để triển khai NDC và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT)  đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn thuộc Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ trong và ngoài nước.

Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường các-bon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi Tín chỉ các-bon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường…

Quảng Nam là địa phương đầu tiên của cả nước đề xuất Thủ tướng Chính phủ thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua dự án hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+). Ông Lê Minh Hưng - nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, chủ rừng (gồm các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng…) sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường các-bon rừng. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (Cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng.

Theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam cam kết bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) quốc gia. Mức cam kết này có thể tăng lên tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ từ phía quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và các cơ chế thị trường theo Thỏa thuận Paris.

Dự kiến sau năm 2025 đến năm 2027 sẽ vận hành thí điểm thị trường các-bon trong nước và ban hành các quy định về giao dịch phát thải, trách nhiệm tài chính của các bên tham gia. Từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - đơn vị xây dựng Dự thảo Nghị định, dự kiến các ngành nghề thí điểm có lượng phát thải lớn như ngành thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng. Đối tượng tham gia là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn, phải kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành; các tổ chức tham gia cơ chế trao đổi Tín chỉ các-bon theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và một số bên liên quan. Từ nay đến khi thị trường hình thành, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức để các cơ sở, doanh nghiệp, các bên phát triển công nghệ, các bên dịch vụ… chuẩn bị điều kiện tham gia.

Đặt mục tiêu tăng doanh thu từ dịch vụ môi trường rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đặt ra mục tiêu năm 2021 đạt doanh thu 2.800 tỉ đồng từ dịch vụ môi trường rừng, khi có thêm nguồn tiền từ bán tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới. Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn khả thi bởi trong năm 2020, cả nước đã thu được 2.566 tỉ đồng dịch vụ môi trường rừng. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp có thêm nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ cacbon và giảm phát thải của rừng. Mỗi năm, nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng có thể tăng thêm từ 300 - 500 tỉ đồng.

                                                                                             Theo Xuân Hòa, Kinh tế môi trường.vn

https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-xay-dung-lo-trinh-phat-trien-thi-truong-tin-chi-cac-bon-57174.html

Các tin cũ hơn